Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa Luật Tài nguyên nước vào cuộc sống: Hướng tới quản trị ngành nước bằng công nghệ số

Hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước trên nền tảng công nghệ số theo tinh thần Luật Tài nguyên nước 2023, Cục Quản lý tài nguyên nước đang tập trung nguồn lực triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương, trên cơ sở đó có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.

Quản trị nước thông minh - xu thế lớn của thế giới

Quản trị tài nguyên nước trên nền tảng kết hợp công nghệ số, sử dụng mô hình quản trị nước thông minh và tích hợp các quy định về quản lý nước để kiểm soát chất lượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc kết hợp này cũng kiểm soát được chất lượng nước, điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội.

Trên thế giới, các nước tiên tiến đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả, trong đó, có hai giải pháp là về kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Vì vậy, quản trị nước thông minh đang trở thành một xu thế lớn trên thế giới.

Ứng dụng công nghệ 4.0 quan trắc chất lượng nguồn nước

Để quản trị nguồn nước được hiệu quả, TS.Lê Thu Thủy - Giảng viên Trường Đại học TN&MT Hà Nội nêu quan điểm: Tại Việt Nam, để thực hiện mô hình quản trị nước thông minh, cơ quan quản lý đã và đang xây dựng quy định về thiết lập hệ thống giám sát online về chỉ số cấp nước và chất lượng nước của hệ thống cấp nước chia sẻ dữ liệu giữa Bộ TN&MT chính quyền địa phương và doanh nghiệp cấp nước.

Đối với doanh nghiệp cấp nước cần tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, chuyển từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử; lắp đặt các thiết bị đo có tính năng truyền dữ liệu, lắp đặt các van giảm áp thông minh; số hóa công tác chi thu, hóa đơn điện tử, kết nối với khách hàng qua Internet, đồng hồ thông minh, kết nối với trung tâm chi phí.

Việt Nam cũng nên ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước; đầu tư và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.

Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng; tích trữ nước mưa để sử dụng cũng rất cần thiết. Ngoài ra, cần ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.

Tập trung xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà, nội dung hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số là một trong những điểm nổi bật của Luật Tài nguyên nước. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

Ví dụ liên quan đến đẩy mạnh công nghệ số, thì việc ban hành kịp thời các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra. Theo đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã có những điều khoản để vận hành các hồ chứa theo thời gian thực để tất cả những thông tin dữ liệu hay quyết định điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ vừa cân bằng giữa bảo vệ an toàn cấp nước cho người dân hạ du vừa cân bằng phát triển kinh tế- xã hội.

Quản trị nước trên nền tảng số hỗ trợ điều hoà phân phối nguồn nước

Hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã lên kế hoạch xây dựng các hệ thống công cụ số, mô hình toán để hỗ trợ Bộ TN&MT ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông lớn theo quy định; hoàn thiện, nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước.

Trước mắt, để đảm bảo hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ hiệu quả nguồn nước theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh, năm 2024, Bộ TN&MT tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước đối với khoảng 600 công trình đã được bộ cấp phép.

Cùng với đó, Bộ cũng thúc đẩy xây dựng bản đồ số dự báo, cảnh báo hạn hán, thiếu nước kết nối với hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trong điều hòa, công bố kịch bản nguồn nước.

Đặc biệt, Cục Quản lý tài nguyên nước đang tập trung nguồn lực triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương, trên cơ sở đó có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.

 

 

                                                                 

                        Sưu tầm theo: Monre.gov.vn