Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Đất đai 2024: Nhiều đổi mới về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Quy định của Luật Đất đai 2024 về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ giúp cho việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, tiết kiệm ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Còn hạn chế

Thời gian qua, thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo quy định của Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013 và các Văn bản hướng dẫn thi hành đã đáp ứng nhu cầu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới, khu dân cư nông thôn, tạo ra một diện mạo mới cho đô thị và nông thôn.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn những hạn chế như: Tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” còn tồn tại như các Khu kinh tế, diện tích đất thu hồi chỉ đạt 4,04 % diện tích quy hoach; tốc độ đô thị hóa cao (năm 2020 tăng 125% so với 2010), nhưng nhiều “dự án treo” vì chủ đầu tư không có khả năng huy động vốn, hoặc chờ chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư khác.

Bên cạnh đó, chi ngân sách thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất lớn, bình quân chiếm 8,40% nguồn thu ngân sách từ đất. Khiếu nại liên quan đến thu hồi đất chiếm khoảng 15% tổng số khiếu kiện về đất đai, chủ yếu là người bị thu hồi đất không thỏa mãn giá đất bồi thường, đặc biệt đất nông nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những hạn chế trên, trong đó có nguyên nhân từ một số quy định pháp luật đất đai về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa đồng bộ, thiếu cụ thể.

Nhiều đổi mới

Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó Chương VI Thu hồi đất, trưng dung đất gồm 14 Điều (từ Điều 78 đến Điều 91) và Chương VII Bồi thường hỗ trợ tái định cứu gồm 20 Điều (từ Điều 92 đến Điều 111). So với Luật Đất đai 2013 số Điều không thay đổi (34), xong Luật Đất đai mới tách thành 2 chương riêng.

Trong đó, Luật Đất đai 2024 đã kế thừa và phát triển Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư với một số điểm mới như sau:

Một là: Quy định cụ  thể  các  trường  hợp  thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Tại Điều 79, Luật quy định Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa với 31 trường hợp cụ thể có thể quy về 3 nhóm: (i) xây dựng công trình công cộng; (ii) xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; (iii) các trường hợp khác, bao gồm nhiều: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách. Những quy định này đã xác định cụ thể và bao quát cơ bản các loại đất Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khác so với Luật Đất đai 2013, quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc Hội; chấp thuận, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà phải thu hồi đất (Điều 62)

  Hai là: quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tại Điều 80 căn cứ, điều kiện  thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Luật Đất đai mới đã quy định cụ thể: (1). Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải căn cứ quy định tại Điều 78 hoặc 79 của Luật này, đồng thời phải thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; b) Dự án đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; c) Dự án đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư… thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; d) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điều 84 trong trường hợp thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh. (2). Trường hợp dự án quy định tại khoản 1 Điều này có phân kỳ tiến độ sử dụng đất thì thu hồi đất theo tiến độ của dự án đầu tư được xác định trong văn bản chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư dự án. (3). Điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật này. (4). Việc thu hồi đất theo quy định tại khoản 26 và khoản 27 Điều 79 của Luật này phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và điều kiện là để tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư để quản lý, khai thác hoặc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu mà không thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất.”

 

Luật Đất đai 2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (ảnh minh họa)

Ba là: Quy định cụ thể trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tại Điều 87  Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Luật Đất đai mới đã quy định cụ thể: (1)  Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi chủ trì tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến về các nội dung liên quan đến thu hồi đất ; (2) thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm ...(3) lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...(4). Đơn vị, tổ chức thực hiện, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến, niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; gửi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đến từng người có đất thu hồi; thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. (5). Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất; (6) Trường hợp người có đất thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp thì thực hiện; (7) Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (8). Tổ chức phát triển quỹ đất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý đất đã được thu hồi trong khi chưa giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 5 Điều 86 của Luật này. (9). Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Bốn là: Kế thừa và hoàn thiện các quy định về Bồi thường hỗ trợ tái định cu khi Nhà nước thu hồi đất

Tại Điều 91 Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai mới quy định: (1) Bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. (2) Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… (3). Chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường thiệt hại; chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ. (4). Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. (5). Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.  (6) Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. (7). Trường hợp phần diện tích còn lại của thửa đất sau  thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu

Điều 92 Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt: (1). Đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng mà cần có chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. (2). Đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 82của Luật này thì người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 78 và 79. (3). Đối với trường hợp tổ chức bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất, tổ chức có tài sản do Nhà nước giao quản lý… (4). Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 93 Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập và việc tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư: Trường hợp dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách ra thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật về đầu tư công thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định của Luật này.

Điều 94 Kinh phí và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: (1). Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Nhà nước bảo đảm. (2). Trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất và trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (3). Việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (4). Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trường hợp đất thu hồi, tài sản đang có tranh chấp; (5). Trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải chỉnh sửa, bổ sung mà có nội dung chỉnh sửa về giá đất, giá tài sản thì giá đất, giá tài sản để tính bồi thường được xác định tại thời điểm ban hành quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. (6). Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước. (7). Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 95 Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: (1) Các trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (2). Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được bồi thường về đất khi có một trong các điều kiện sau đây: a) Có Giấy chứng nhận;  b) Có quyết định giao đất hoặc quyết định cho thuê đất hoặc quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; c) Có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận;  d) Nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật từ người có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký đất đai; đ) Được sử dụng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất; (3). Chính phủ quy định trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất.

Quy định của Luật Đất đai mới về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư giúp cho việc thực hiện và giám sát nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp này của cơ quan nhà nước, nhà đầu tư và công dân công khai, minh bạch, rõ ràng; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của  người có đất bị thu hồi; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, tiết kiệm ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và  môi trường. Thực tiễn cho thấy trong công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư việc hoàn thiện khung khổ pháp lý là tiền đề quan trọng, nhưng quyết định thành công là việc tổ chức thực hiện!

 

 

                                    Sưu tầm theo: monre.gov.vn