Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai ‘đúng, đủ, sạch, sống’

Sau năm 2025, các cơ quan liên quan tiếp tục số hóa, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai; triệt để vận hành CSDL quốc gia về đất đai để kết nối, chia sẻ sử dụng; bảo đảm CSDL về đất đai “đúng, đủ, sạch, sống”.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo về lộ trình hoàn thành xây dựng CSLD quốc gia về đất đai đến năm 2025

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Hội nghị, báo cáo về lộ trình hoàn thành xây dựng CSLD quốc gia về đất đai đến năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thông tin về việc xây dựng hành lang pháp lý để xây dựng, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục tham mưu trình Chính phủ Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Trong công tác chỉ đạo triển khai Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, đảm bảo đến năm 2025 hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai ở các địa phương để kết nối, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai

Báo cáo về kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tại Trung ương: đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 4 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu về giá đất; cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá đất đai.

Tại địa phương đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất…

Về công tác kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai dịch vụ công trực tuyến, cắt giảm thủ tục hành chính đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu đất đai của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã… trên nền tảng chia sẻ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia.

Về dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương: thủ tục "Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận".

Trong 6 tháng đầu năm 2024, phát sinh 26.487 hồ sơ; thủ tục "Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất"…

Đối với công tác làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở, Bộ đã hoàn thành "Xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong CSDL đất đai quốc gia", ban hành 4 văn bản (quy trình, kế hoạch, hướng dẫn phối hợp) việc làm điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Bộ đã chỉ đạo Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai phối hợp chặt chẽ với Cục C06 - Bộ Công an, các Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan hoàn tất các nhiệm vụ, thực hiện rà soát, đánh giá kết quả, xin ý kiến đối với Dự thảo quy trình, giải pháp kỹ thuật làm sạch và chia sẻ dữ liệu đất đai, sau khi tổng hợp, hoàn thiện, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm thêm tại Đồng Nai, Bình Dương sẽ báo cáo, tham mưu để hướng dẫn thực hiện nhân rộng cả nước.

Về xây dựng địa chỉ số quốc gia, Bộ đã giao Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai chủ trì bổ sung quy định về địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có chứa dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đấtvà đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, cung cấp, chia sẻ dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất đóng góp vào cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia.

Xây dựng giải pháp, kết nối nguồn lực phù hợp với từng địa phương

Báo cáo về lộ trình hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đến năm 2025, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, đối với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai đa mục tiêu (MPLIS): sẽ hoàn thiện hệ thống, đào tạo, hướng dẫn và đưa vào vận hành vào quý 3,4/2025.

Sau năm 2025, tiếp tục số hóa, xây dựng, hoàn thiện CSDL tại các khu vực chưa xây dựng CSDL, cập nhật, chỉnh lý dữ liệu đã cũ, lạc hậu; triệt để vận hành CSDL quốc gia về đất đai trong công tác thường xuyên, kết nối, chia sẻ sử dụng với các CSDL quốc gia, các bộ ngành, địa phương; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.. để bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, CSDL quốc gia về đất đai sẽ được bảo đảm về an toàn thông tin và được kết nối, chia sẻ theo quy định với CSDL quốc gia về dân cư và các CSLD, hệ thống thông tin của Bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhìn nhận, tuy kết quả xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc như: Việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao dẫn đến tiến độ hoàn thành ở một số địa phương còn chậm.

Hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa không gian và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế; trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, công tác bảo đảm về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu là các khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẽ với các hệ thống thông tin khác.

Tiến độ triển khai các dịch vụ công trực tuyến phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm vào cuộc của các địa phương. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai rất phức tạp, khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện ở mức độ toàn trình.

Trên cơ sở đó, để hoàn thành được các mục tiêu, lộ trình đặt ra và để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện với các giải pháp, nguồn lực khả thi, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn và kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong năm 2025.

Thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm hệ thống thông tin đất đai đang vận hành tại địa phương để có phương án nâng cấp, hoàn thiện, duy trì hệ thống và kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý đất đai trong giai đoạn hiện nay.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai ở địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành để tạo thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính đất đai cung cấp trên cổng dịch vụ công đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc cập nhật dữ liệu trên hệ thống trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong đó cần ưu tiên kinh phí cho xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp.


Nguồn:baochinhphu.vn Sao chép liên kết