Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đang nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm tạo hiệu quả về sử dụng nguồn lực đất đai trong công tác quản lý, điều hành, tổng hợp cũng như khai thác hợp lý, bền vững tài nguyên đất đai cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân và phục vụ việc chuyển đổi số. Liên quan tới vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Thế, Phó Trưởng phòng điều hành Phòng Công nghệ và Dữ liệu thông tin đất đai (Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai - Bộ TN&MT).

PV: Xin ông cho biết kết quả của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai?

Ông Nguyễn Khắc Thế: Trong lộ trình chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ đặt ra là phát triển dữ liệu số quốc gia. Trong đó, dữ liệu tài nguyên và môi trường là một trong ba nhóm dữ liệu (Con người, Doanh nghiệp và Đất đai) quan trọng nhất mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều có chiến lược quản lý và khai thác một cách tốt nhất. Các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần được phát triển trước. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai giúp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và hiện đại trong quản lý đất đai, đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Luật Đất đai năm 2024 đã xác định “Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia, CSDL của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.”

Ông Nguyễn Khắc Thế, Phó Trưởng phòng điều hành Phòng Công nghệ và Dữ liệu thông tin đất đai (Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024; Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Kế hoạch năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Đề án 06/CP; Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cơ bản hoàn thành CSDL đất đai quốc gia, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp nền tảng dữ liệu thông tin đất đai để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

PV: Vậy việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực này đến nay thu được những kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Thế: Trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực cùng các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL đất đai. Kết quả xây dựng CSDL đất đai trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã từng bước đưa CSDL đất đai vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, kết nối liên thông điện tử với các cơ quan có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Tính đến nay, CSDL đất đai do Trung ương quản lý đã xây dựng xong 4 khối dữ liệu thành phần, đó là: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.

Đối với CSDL đất đai do địa phương xây dựng, hiện 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 325/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL giá đất.

Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất sẽ cung cấp một nền tảng mà dữ liệu sẽ được chia sẻ rộng rãi với các bộ, ban, ngành khác, thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy. Việc khai thác, chia sẻ các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, dân cư, ... đã bước đầu thực hiện chia sẻ rất hiệu quả, đặc biệt là những thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Cụ thể như việc trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản sản gắn liền với đất” đã thực hiện ở 48/63 tỉnh, thành phố; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia.

Việc kết nối, chia sẻ CSDL đất đai quốc gia với CSDL quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06/CP đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đến nay đã hoàn thành kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022. 

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu khác

PV: Xin ông cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TN&MT trong việc xây dựng cơ dữ liệu đất đai trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Khắc Thế: Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: "Tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung ương và xây dựng phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bảo đảm đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác”. Do đó, để hoàn thành được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, tập trung tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, nhằm  hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ sở pháp lý để xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Hai là, tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, thực hiện tích hợp, đồng bộ CSDL đất đai từ các địa phương để vận hành tập trung, thống nhất tại trung ương.

Ba là, chỉ đạo các địa phương tích cực, chủ động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, bảo đảm đến năm 2025 kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các cơ sở dữ liệu khác nhằm khai thác tối đa hiệu quả của CSDL quốc gia về đất đai.

Năm là, tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đất đai, thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công về đất đai.


Nguồn:monre.gov.vn Sao chép liên kết