Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện Luật Đất đai 2024

Bộ TN&MT vừa có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Luật Đất đai 2024, trong đó, Bộ cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên phạm vi cả nước, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan có liên quan kịp thời báo cáo và tham mưu với cấp có thẩm quyền các giải pháp để chính sách, pháp luật đất đai thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ TN&MT, sau 3 tháng triển khai thi hành Luật Đất đai, với các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới đã mang lại hiệu quả như việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, Bộ TN&MT cho rằng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để tập trung xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền; đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Bộ TN&MT đề nghị các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực, cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai để xây dựng Bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Quan tâm đầu tư, bảo đảm các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương, bao gồm tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm...

Khẩn trương rà soát Bảng giá đất hiện hành (ban hành theo Luật Đất đai năm 2013) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc xây dựng Bảng giá đất mới theo Luật Đất đai năm 2024 để từ thực hiện từ ngày 01/01/2026.

Đặc biệt, trong quá trình điều chỉnh phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất, tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình, thiếu đồng thuận trong xã hội.

 Các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh hợp lý giá đất trong Bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm, có thể bổ sung vào quy chế đấu giá việc công khai các trường hợp bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt, cần đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 tại các địa phương.

Về đề xuất và kiến nghị, trong báo cáo của Bộ TN&MT nêu rõ: Việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều điểm mới và sự phân cấp mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền địa phương, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng quyết tâm, nỗ lực để đưa Luật Đất đai có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu, do vậy trong thời gian đầu không thể tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong tổ chức thực hiện tại các địa phương. Do đó, cần kiên trì, nhất quán, thống nhất trong quan điểm chỉ đạo và tập trung vào khâu tổ chức thực hiện để Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành thực sự đi vào cuộc sống.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên phạm vi cả nước; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ các bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn, phối hợp để tháo gỡ, giải quyết; nếu phát hiện vấn đề vướng mắc từ cơ chế, chính sách, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan có liên quan kịp thời báo cáo và tham mưu với cấp có thẩm quyền các giải pháp để chính sách, pháp luật đất đai thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Để triển khai hiệu quả công tác này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, siết chặt kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, định mức kinh tế - kỹ thuật về đất đai thuộc thẩm quyền, nhằm bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực, cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai để xây dựng Bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, có đánh giá tác động, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng Bảng giá đất để áp dụng từ ngày 01/01/2026.

Bộ TN&MT cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thẩm quyền ban hành tại địa phương để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của các quy định mới, tiến bộ của pháp luật đất đai…


Nguồn:monre.gov.vn Sao chép liên kết