Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Lạng Sơn: Đề xuất tháo gỡ "điểm nghẽn"

(TN&MT) - Những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được đổi mới, tạo điều kiện cho hoạt động khoáng sản từng bước phát triển, góp phần đạt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước đề ra.

Tuy nhiên, công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại địa phương còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tháo gỡ.

Tạo nguồn thu ngân sách

Hiện nay, Lạng Sơn có 57 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm 6 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp, 51 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp. Trong đó, 47 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu xây dựng thông thường; 3 giấy phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 giấy phép khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 giấy phép khai thác khoáng sản than nâu; 1 giấy phép khai thác than bùn và 4 giấy phép khai thác khoáng sản kim loại.

Lạng Sơn đang từng bước chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, lãng phí, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.

Liên quan đến công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, những năm qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản để hướng dẫn phương pháp tính tiền, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bảng giá trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tất cả các đơn vị thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

Qua đó, đảm bảo thu hồi tối đa khoáng sản khi được cấp phép, tránh việc lợi dụng mua bán, chuyển nhượng giấy phép khai thác; góp phần đưa công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng bền vững, loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, không đủ năng lực... Từng bước chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, lãng phí, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.

Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành công văn thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; công văn về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2024 đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thực hiện Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, UBND tỉnh đã xác định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp và phê duyệt điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với 2 mỏ, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thu được trong năm 2023 là 49.231 triệu đồng.

Còn nhiều bất cập

Theo Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành còn một số nội dung Luật Khoáng sản đã quy định nhưng khó triển khai, trong đó có một số nội dung liên quan đến cách tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ; Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa có nội dung hướng dẫn cụ thể phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác với các giấy phép khai thác điều chỉnh công suất khai thác hoặc thay đổi về trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác.

Việc điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác mới được xem xét khi có sự thay đổi về giá tính thuế tài nguyên (Gn); mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Rn) nhưng chưa có nội dung xem xét điều chỉnh khi có sự thay đổi về hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (K2).

Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) đối với cát, sỏi tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, Nghị định 158/2016/NĐ CP và Nghị định số 67/2019/NĐ-CP không thống nhất gây khó khăn cho việc áp dụng thực hiện. Nghị định số 67/2019/NĐ-CP cũng không quy định cách tính điều chỉnh tiền cấp quyền khi có sự thay đổi đồng thời giá tính thuế tài nguyên (Gn) và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Rn).

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 67/2019/NĐ-CP, hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến khai thác được quy định: Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và các trường hợp còn lại K1 = 1,0. Song, không có nội dung giải thích cụ thể các trường hợp khác là như thế nào, do đó các cơ quan kiểm toán khi kiểm toán chuyên đề có liên quan đến việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thường có ý kiến cho rằng: Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến khai thác cát sỏi lòng sông K1 = 1,0 và việc áp dụng Hệ số K1 = 0,9 là chưa chính xác.

Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, bất cập cho địa phương trong quản lý nhà nước về khoáng sản.

Sưu tầm theo: baotainguyenmoitruong.vn