Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản - Phân cấp rõ, giám sát chặt

Tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, là tài sản của toàn dân, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, được quản lý và sử dụng có hiệu quả, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần phân cấp quản lý trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể quản lý để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả.

* Hạn chế trong phân cấp, chưa đồng bộ trong thực thi

Điều 80, 81, 82, 83 của Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định việc phân cấp quản lý khoáng sản của Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản; Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quản lý trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Việc quản lý tài nguyên khoáng sản được phân cấp quy định trong Luật cho các địa phương, làm cho hoạt động khai thác khoáng sản không chỉ thuận lợi cho việc đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn đảm bảo khai thác tận thu nguồn tài nguyên quy mô nhỏ tránh việc khai thác thổ phỉ, góp phần tăng thu cho ngân sách và phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường của địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung.

Cũng theo Luật Khoáng sản hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật này, các tỉnh, thành phố được quyền cấp giấy phép khai thác một số loại khoáng sản (mỏ than bùn, mỏ vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản không thuộc quy hoạch trung ương quản lý...).

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc phân cấp quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam và việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm trong phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, chưa đồng bộ ở các cấp. Nếu việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện một cách bài bản, phù hợp với từng địa phương sẽ phát huy được sự chủ động, sáng tạo trong việc quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên từng địa bàn, góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam.

 Tài nguyên khoáng sản cần được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả

* Phân nhóm khoáng sản để phân cấp mạnh hơn

Trước những tồn tại trên, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT đã lưu ý đẩy mạnh phân cấp trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, cơ quan soạn thảo đã xác định rõ, các quy định của Luật này phải tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao...

Tại cuộc họp xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, Luật phải phân cấp mạnh cho địa phương, muốn làm được điều đó cơ quan soạn thảo phải phân nhóm, phân loại được các loại khoáng sản; đồng thời phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm quản lý khoáng sản cho địa phương, đảm bảo công tác phối hợp, quản lý, không để thất thoát tài nguyên quốc gia.

Trước đó, Bộ TN&MT cũng xin ý kiến Thành viên Chính phủ về nội dung này. Nêu bất cập về việc quy định hiện hành không phân nhóm khoáng sản dẫn đến quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động khoáng sản là như nhau đối với tất cả các loại, nhóm khoáng sản, Bộ TN&MT đề xuất phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm, quy định tại Điều 7 và mục 4 chương VI của Dự thảo thảo Luật.

Theo Bộ TN&MT, phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở phân nhóm khoáng sản, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản tại các chương khác của dự thảo Luật.

Cụ thể, bỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ và nội dung này được gộp chung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I.

Đối với khoáng sản nhóm IV, không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động khai thác khoáng sản. Với quy định này sẽ cắt giảm được khoảng 90% thời gian và chi phí tuân thủ để thực hiện thủ tục hành chính.

Đối với khoáng sản là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; khoáng sản ở khu vực lòng sông, lòng hồ, khu vực biển không phải thực hiện thủ tục lập, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Từ việc phân nhóm trên, Bộ TN&MT đề xuất phân công, phân cấp cho UBND cấp tỉnh tiếp tục duy trì việc phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản như Luật hiện hành, cụ thể UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm III, IV; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II và III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I và II tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ TN&MT khoanh định và công bố.

Ngoài ra, bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với các nội dung sau: Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương; Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Mong rằng, với những đề xuất trên, khi Luật Địa chất và Khoáng sản được thông qua, việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng để các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến cấp địa phương có nhiều giải pháp, sáng kiến quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương.

 

 

                                      Sưu tầm theo: monre.gov.vn