Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phân loại rác thải tại nguồn: Quyết tâm thực hiện đúng lộ trình

 - Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt hành chính đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Như vậy, chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, người dân Lạng Sơn cùng với các tỉnh, thành trong cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), từ năm 2022 đến nay, lượng CTRSH phát sinh là 515.186 tấn. Trong đó, khu vực đô thị 340.577 tấn, khu vực nông thôn 174.609 tấn. Khối lượng thu gom, xử lý đạt khoảng 80% khối lượng CTRSH phát sinh. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện phân loại CTRSH vẫn đạt tỷ lệ thấp, nhiều địa bàn chưa thực hiện được.

Còn nhiều khó khăn

Chị Hoàng Thị Tuyết ở phố Ngọc Trí, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia chia sẻ: Gia đình tôi có 3 nhân khẩu nên lượng rác thải không nhiều, các loại rác sinh hoạt hằng ngày tôi gom chung vào thùng để chôn lấp hoặc đốt. Tôi cũng nghe nói đến việc phân loại rác tại nhà nhưng chưa hiểu rõ lắm và cũng chưa biết cách phân loại.

Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn học sinh phân loại rác

Chia sẻ của chị Tuyết cũng là tâm lý chung của nhiều hộ dân trong tỉnh về việc phân loại CTRSH hiện nay. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại các khu vực đô thị, các xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ có khoảng 30% lượng rác thải được phân loại, còn tại các xã đặc biệt khó khăn chưa thực hiện được. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các thùng rác ở các khu dân cư, người dân vẫn để rác lẫn lộn như đồ ăn, pin, lọ thủy tinh, thậm chí có cả rác thải xây dựng...

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã lựa chọn 2 khu phố của thị trấn Đồng Mỏ triển khai thí điểm với gần 400 hộ dân. Tuy nhiên, rất ít người thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng không đúng. Nguyên nhân do nhận thức của người dân chưa cao, cán bộ cơ sở chưa sâu sát trong tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại CTRSH. Đặc biệt, nguồn kinh phí thực hiện việc này còn hạn chế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thu gom, phân loại, xử lý rác chưa đồng bộ nên dẫn đến tình trạng khi người dân phân loại rác xong vẫn phải để chung xe thu gom...

Hiện nay, toàn tỉnh có 15 đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, 5 bãi chôn lấp với tổng diện tích gần 90 ha, 3 cơ sở lò đốt CTRSH, 8 điểm tập kết, trung chuyển rác hoạt động tại 6/11 huyện, thành phố. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp, lò đốt CTRSH chỉ cơ bản phục vụ được nhu cầu trước mắt, về lâu dài không thể đáp ứng được vì có một số bãi chôn lấp có nguy cơ quá tải trong khi đó, tỷ lệ phát sinh CTRSH tăng 5%/năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT, hiện nay, việc phân loại CTRSH trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do mặt bằng dân trí chưa đồng đều, công tác tuyên truyền tại cơ sở chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về phân loại CTRSH tại nguồn. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng xử lý rác chưa đồng bộ, nguồn lực để thu gom, phân loại, xử lý CTRSH chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong khi đó, Bộ TN&MT chưa kịp thời ban hành định mức mới giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải, do vậy rất khó khăn trong thực hiện. Tuy nhiên, theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt hành chính đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Do vậy, Sở TN&MT đã và đang triển khai từng bước theo lộ trình để nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về phân loại CTRSH tại nguồn.

Quyết tâm thực hiện

Cụ thể, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 26 ngày 19/12/2023 quy định về quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đồng thời triển khai đề án tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại CTRSH trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; xây dựng bộ sổ tay hướng dẫn phân loại CTRSH để các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố cùng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó thay đổi từ ý thức đến hành động của người dân trong thực hiện phân loại rác tại nhà.

Công nhân Công ty TNHH MTV Áo Xanh (Đình Lập) thu gom rác thải tại khu vực nông thôn

 Cùng với đó, hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá lại thực trạng các bãi chôn lấp rác để có phương án xử lý, đáp ứng nhu cầu xử lý CTRSH sau khi phân loại. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH theo quy định đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường và phù hợp với Quy hoạch tỉnh. Theo đó, thành phố Lạng Sơn bố trí các điểm tập kết và trung chuyển chất thải rắn cố định cỡ lớn đảm bảo bán kính phục vụ, diện tích tối thiểu mỗi trạm trung chuyển 5.000 m; mỗi cấp huyện bố trí tối thiểu 1 cơ sở xử lý hoặc dự trữ quỹ đất để bố trí khu xử lý chất thải rắn đảm bảo thu gom, xử lý cho địa phương hoặc liên huyện.

Ông Tô Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Văn Lãng cho biết: Thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, chúng tôi sẽ triển khai trước tại khu vực đô thị, hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn đến các khu dân cư, trong đó tập trung hướng dẫn người dân cách nhận diện các loại rác thải theo nhóm, kỹ thuật phân loại từ đó để người dân thực hiện theo. Huyện Văn Lãng hiện có 1 đơn vị thu gom rác, 3 xe ép rác, 1.000 thùng đựng rác chưa đảm bảo để thực hiện phân loại rác, do đó chúng tôi đang cân đối nguồn kinh phí và phối hợp với đơn vị liên quan bổ sung thêm trang thiết bị để triển khai phân loại CTRSH tại nguồn. Đặc biệt, chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải đang triển khai trên địa bàn sớm đưa vào hoạt động.

Việc phân loại CTRSH tại nguồn bắt buộc tại các hộ dân không chỉ mang ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Mong rằng những biện pháp mà các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang triển khai sẽ từng bước thay đổi thói quen cũng như thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân trong thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn vì môi trường xanh, sạch, đẹp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 15 đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, 5 bãi chôn lấp với tổng diện tích gần 90 ha, 3 cơ sở lò đốt CTRSH, 8 điểm tập kết, trung chuyển rác hoạt động tại 6/11 huyện, thành phố. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp, lò đốt CTRSH chỉ cơ bản phục vụ được nhu cầu trước mắt, về lâu dài không thể đáp ứng được vì có một số bãi chôn lấp có nguy cơ quá tải trong khi đó, tỷ lệ phát sinh CTRSH tăng 5%/năm.


Nguồn:baolangson.vn Sao chép liên kết