Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, có nhiều quy định về hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Theo đó, hoạt động khoáng sản phải bảo đảm nhiều nguyên tắc, trong đó có 2 nguyên tắc liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Cụ thể, hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch gắn với yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai.
Đồng thời, khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
Dự thảo Luật cũng quy định, việc lập chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược bảo vệ Tổ quốc; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; nhu cầu của thị trường thế giới.
Quy định về nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra địa chất về khoáng sản được nêu trong dự thảo Luật cũng có các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, tài nguyên địa chất, khoáng sản trong quá trình điều tra cơ bản địa chất. Tương tự, tổ chức thực hiện điều tra địa chất về khoáng sản có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, tài nguyên địa chất, khoáng sản.
Việc xả nước thải trong hoạt động khoáng sản phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; Đề án thăm dò khoáng sản phải có giải pháp bảo vệ môi trường, an toàn lao động và vệ sinh lao động trong quá trình thăm dò; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; đóng cửa mỏ; cải tạo, phục hồi môi trường khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường. Đây cũng là những quy định liên quan đến bảo vệ môi trường được nêu rõ trong dự thảo Luật.
Theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhóm IV thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với khoáng sản khai thác được tương ứng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản quy định tại Điều 62 của Luật Địa chất và Khoáng sản; thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường, bảo đảm an toàn lao động theo quy định của pháp luật.
Ngoài các quy định trên, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản còn có nhiều quy định khác gắn với nội dung về bảo vệ môi trường. Không chỉ dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản mà Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng.
Máy phun sương cao áp dập bụi tại khu vực kho than Công ty CP Than Hà Tu
Điều 30 Luật Khoáng sản quy định rõ việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản là phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật; phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường.
Giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Chính phủ.
Còn theo Điều 67, Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường: Thu gom, xử lý nước thải theo quy định; Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn; Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về khoáng sản; Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật Bảo vệ môi trường.
Đối tượng khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm: Dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt; Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật.
Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng, được che chắn bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường.
Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ, chế biến khoáng sản phải được đánh giá tác động môi trường, khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản khác có chất phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về an toàn hóa chất, năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.