Bộ TN&MT rà soát, bổ sung thông tin hồ sơ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản
(TN&MT) - Chiều 15/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì buổi làm việc với Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam để nghe báo cáo đề xuất một số nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình kết quả thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Đối với các vấn đề chung và Hồ sơ dự án Luật, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, Bộ TN&MT đã rà soát toàn bộ hồ sơ dự án Luật, đặc biệt là các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới; bổ sung đầy đủ thông tin liên quan đến hồ sơ dự án Luật.
Ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại cuộc họp
Đồng thời, đánh giá đầy đủ tác động của các chính sách thành phần trong 5 chính sách lớn của dự án Luật; bổ sung, làm rõ thông tin, số liệu của báo cáo tổng kết 13 năm thi hành Luật Khoáng sản; rà soát quy định của dự thảo Luật với các Luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; rà soát, hoàn thiện quy định về thăm dò khoáng sản sử dụng ngân sách nhà nước và các nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT bước đầu xây dựng báo cáo về kinh nghiệm quốc tế về các nhóm vấn đề trong hoạt động khoáng sản như: Quyền khai thác khoáng sản của Úc; thuế, phí trong khai thác khoáng sản; so sánh các khoản thu trong khai thác khoáng sản tại một số quốc gia; tài nguyên và trữ lượng khoáng sản.
Quang cảnh cuộc họp chiều 15/5
Bên cạnh việc yêu cầu Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam chỉnh sửa các nội dung trên ngay tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cũng đề nghị 2 đơn vị quan tâm rà soát một số nội dung có nhiều ý kiến tham gia như: Tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh; phân nhóm khoáng sản; quy hoạch khoáng sản; sử dụng vốn ngân sách để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; tài chính về khoáng sản; góp ý trực tiếp nội dung quy định tại các điều khoản.