Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thẩm định dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước

(TN&MT) - Ngày 13/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội cùng một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tham dự cuộc họp, về phía đại diện cơ quan soạn thảo có Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Khoáng sản Việt Nam.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả do nước gây ra, trong đó có một số điểm mới về: kê khai, đăng ký tại Điều 52, dịch vụ về tài nguyên nước tại Điều 70, điều hòa, phân phối tài nguyên nước tại Điều 35, Điều 36, cập nhật kết quả điều tra cơ bản vào hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia tại Điều 10, bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại Điều 39, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất tại Điều 31, lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch tại khoản 5 Điều 8, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước tại Điều 82 và Điều 83, chuyển nước lưu vực sông tại Điều 37.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Minh Khuyến đã báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng và một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Theo đó, dự thảo Nghị định tiếp tục kế thừa những quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, kịp thời cập nhật, bổ sung những quy định phù hợp với các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Dự thảo cũng quy định rõ các hành vi cần xử phạt để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật; nâng cao ý thức tuân theo pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước

Về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, dự thảo Nghị định đã được Bộ TN&MT triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-BTNMT ngày 23/02/2024 phê duyệt Chương trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Trên cơ sở này, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước tại Quyết định số 1143/QĐ-BTNMT ngày 26/4/2024 với sự tham gia của đại diện các Bộ, cơ quan liên quan.

Cùng với đó, Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, được sửa đổi bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ để xác định những nội dung còn bất cập, khó khăn thực hiện trong thực tế, những vấn đề phát sinh trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở các quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 và các báo cáo, Bộ TN&MT đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.

Bên cạnh đó, ngày 25/6/2024, Bộ TN&MT đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập để thảo luận, góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo. Ngày 27/6/2024, dự thảo (lần 2) của Nghị định đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ TN&MT để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các nhân và gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đến nay, Bộ TN&MT đã nhận được 97/125 ý kiến góp ý trong đó có 17/21 ý kiến góp ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; 57/63 ý kiến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 06/18 ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và 15/23 ý kiến góp ý của các đơn vị trong Bộ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, Bộ TN&MT đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Theo đó, về bố cục, dự thảo Nghị định bao gồm 04 chương với 48 điều, cụ thể như sau: Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II - Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (từ Điều 8 đến Điều 35); Chương III - Thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tài nguyên nước (từ Điều 36 đến Điều 46); Chương IV - Điều khoản thi hành (từ Điều 47 đến Điều 48).

Đại diện các thành viên Hội đồng thẩm định phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo tóm tắt của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số vấn đề cơ bản về sự cần thiết ban hành Nghị định; hồ sơ đề nghị thẩm định và việc tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng văn bản; sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thành viên Hội đồng thẩm định trao đổi, làm rõ 1 số nội dung của dự thảo Nghị định

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định còn trao đổi về một số nội dung cụ thể liên quan đến dự thảo Nghị định như: việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; cách tính số lợi bất hợp pháp; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;…

Báo cáo giải trình các nội dung phát biểu góp ý của Hội đồng thẩm định, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đánh giá cao các ý kiến phát biểu góp ý đối với dự thảo Nghị định.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh giải trình tại cuộc họp

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc ghi nhận, giải trình và tiếp thu đầy đủ ý kiến của Hội đồng thẩm định.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo tiến độ trình Chính phủ đúng thời hạn như quy định.


Nguồn:baotainguyenmoitruong.vn Sao chép liên kết