Hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước
Chiều 23/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về hoàn thiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị tài nguyên nước của Bộ: Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam, Viện Khoa học Tài nguyên nước; đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và Vụ Pháp chế.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì cuộc họp hoàn thiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước
Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ và của Bộ TN&MT, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước phải được hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành trước tháng 12/2024 để bảo đảm hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan chủ trì xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Ngày 27/6/2024, dự thảo (lần 2) của Nghị định đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định và gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh báo cáo tại cuộc họp
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 99/125 ý kiến phản hồi góp ý trong đó có 18/21 ý kiến góp ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; 59/63 ý kiến của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 07/18 ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và 15/23 ý kiến góp ý của đơn vị trong Bộ.
Ngày 26/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 5777/BTNMT-TNN gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định dự thảo Nghị định (lần 3) để hoàn thiện, trình Chính phủ và Công văn số 6074/BTNMT-TNN ngày 06/9/2024 về việc hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Mới đây, ngày 20/10/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được Báo cáo số 232/BCTĐ-BTP ngày 24/9/2024 thẩm định đối với dự thảo Nghị định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư Pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục hoàn thiện Dự thảo của Nghị định, lấy ý kiến của các thành viên Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Báo cáo về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Dự thảo Nghị định bao gồm 04 chương với 48 điều.
Trong đó, Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (từ Điều 8 đến Điều 35); Chương III: Thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tài nguyên nước (từ Điều 36 đến Điều 46); Chương IV: Điều khoản thi hành (từ Điều 47 đến Điều 48).
Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo tại cuộc họp
Dự thảo Nghị định đã mở rộng đối tượng xử phạt, không chỉ bao gồm các tổ chức kinh tế lớn mà còn bao gồm các hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư. Điều này thể hiện sự toàn diện và bao trùm của Nghị định, nhằm đảm bảo không có hành vi vi phạm nào bị bỏ sót, từ các doanh nghiệp khai thác nước ngầm đến các hoạt động khai thác nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, về nội dung, dự thảo Nghị định đã kế thừa các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ) đồng thời, bổ sung cập nhật mới theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 đối với các hành vi vi phạm về điều tra cơ bản, bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, chuyển nước lưu vực sông; quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông; về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; về phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra và các quy định khác.
Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung: Hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; vấn đề xác định số lợi bất hợp pháp thu được từ việc khai thác tài nguyên nước trái phép; thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tài nguyên nước;…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo tiến độ trình Chính phủ đúng thời hạn như quy định.
Về nội dung của dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát quy định pháp luật, quy định chi tiết, đầy đủ các hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả bảo đảm phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời nghiên cứu, chỉnh lý các nội dung về mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt trên quan điểm chủ động phòng ngừa, răn đe cao, bảo đảm tính bao quát, không để sót hành vi vi phạm, các đối tượng liên quan.