Luật Tài nguyên nước năm 2023 - Bước tiến mới trong công tác bảo vệ tài nguyên nước
TN&MTViệt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước,… Nếu không có các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để tiết kiệm và bảo tồn tài nguyên nước sẽ không thể bảo vệ được nguồn tài nguyên hữu hạn này.
Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Hồng - Phó Trưởng phòng Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước xung quanh nội dung trên.
Phóng viên: Xưa nay người ta vẫn hay so sánh “nhiều như nước” để nói về sự dồi dào của nguồn tài nguyên này. Vậy thì thực tế, TNN có thực sự dồi dào, vô tận như chúng ta vẫn nghĩ hay không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Việt Hồng: Như chúng ta đã biết, nguồn nước trên thế giới chỉ có 03% lượng nước là nước ngọt, 97% là nước mặn; 2/3 lượng nước ngọt tồn tại dưới dạng sông băng và mũ băng ở các cực, phần còn lại chủ yếu là ở dạng nước ngầm và một tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất và không khí. Như vậy, có thể nói nguồn nước có giá trị cho sự sống của chúng ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng nước trên thế giới.
Thực tế hiện nay, trên thế giới, khoảng 1/3 số quốc gia đang bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 tương ứng khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo TNN quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó: nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm.
Mặc dù, chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên, trong những năm gần đây TNN Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; Rừng đầu nguồn bị suy giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông; tác động của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến TNN, dự báo đến năm 2030 lượng nước có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, tăng về mùa mưa nhưng lại giảm trong mùa khô.
Bên cạnh các thách thức nội tại về nguồn nước nêu trên, áp lực phát triển kinh tế xã hội nên nhu cầu sử dụng nước gia tăng, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng hơn và nhiều dòng sông dòng chảy đã và đang xu hướng cạn kiệt là một trong các nguyên nhân có thể làm kìm hãm sự phát triển KT-XH và suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân. Theo dự báo của WB, nếu chúng ta không giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên thì đến năm 2045 sẽ là quốc gia căng thẳng về TNN.
Trước những thách thức về TNN như trên, Đảng và Chính phủ đã có các chỉ đạo nhằm khẩn trương có các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước. Đặc biệt là Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật TNN năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2023 đã tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết được những vấn đề về TNN hiện nay và nhìn được xa hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường. Đây cũng là bước thay đổi lớn và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển KT-XH và của các quốc gia thượng nguồn (bởi phần lớn nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước sông quốc tế cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu). Bên cạnh đó, Luật TNN năm 2023 đã có các quy định hướng tới để TNN dần thực sự được coi là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt KT-XH. Theo đó, cần có các quy định nhằm thay đổi cơ bản nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng nước và việc phải bảo vệ nguồn TNN quốc gia là rất cần thiết.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, Đảng và Chính phủ đã có những hành động để hướng tới bảo vệ nguồn nước, nguồn tài nguyên quan trọng cho cuộc sống của người dân và cho sự phát triển đất nước, còn đối với từng người dân phải nhận thức được tầm quan trọng và sự quý giá của nguồn tài nguyên này để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ nguồn nước chính là bảo vệ sự sống của chúng ta và của các loài sinh vật trên Trái đất.
Phóng viên: Cuối tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật TNN năm 2023. Theo bà, Luật TNN này có những điểm mới nào so với Luật TNN năm 2012?
Bà Nguyễn Thị Việt Hồng: Luật TNN năm 2023 gồm 10 Chương và 86 Điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng TNN; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam. Có thể nói, Luật TNN năm 2023 là một bước tiến về tư duy, cách tiếp cận về phương thức lý TNN, tuy nhiên vẫn theo nguyên tắc cốt lõi quản lý TNN như Luật TNN năm 2012 là quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất giữa số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản và tối ưu mà các nước trên thế giới vẫn đang áp dụng trong quản lý TNN.
Luật đã hướng tới quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, phục hồi, khai thác, sử dụng TNN và phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đặc biệt, quy định để phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về TNN, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn, theo đó, giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TNN.
Một bước tiến mới trong tư duy quản lý TNN tại Luật TNN năm 2023 đó là các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng TNN, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH, QP-AN phải gắn với khả năng, chức năng nguồn nước, bảo vệ TNN, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, không vượt quá ngưỡng khai thác nước dưới đất và phải phù hợp với quy hoạch TNN.
Luật TNN năm 2023 đã bổ sung quy định tại Điều 35, Điều 36 các quy định về điều hòa, phân phối TNN, trong đó quy định cụ thể việc xây dựng kịch bản nguồn nước; việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng TNN; việc xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối TNN; tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra trên các lưu vực sông. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ TN&MT, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, thực hiện phương án điều hòa, phân phối TNN và các biện pháp ứng phó, khắc phục khi tình trạng thiếu nước xảy ra.
Bổ sung quy định nhằm hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý TNN: hướng tới quản trị TNN quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TNN quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định. Đây là một trong những điểm nổi bật của Luật TNN 2023.
Bổ sung quy định nhằm quản lý TNN bằng công cụ kinh tế: Hướng tới chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế là một cách tiếp cận hiện đại, được áp dụng ở rất nhiều các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Úc, Hàn Quốc, Mỹ,...
Luật TNN năm 2023 cũng đã bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển TNN, trong đó, có nguồn vốn xã hội hóa. Quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên.
Phóng viên: Với Luật TNN năm 2023, hệ thống pháp luật về TNN ở nước ta hiện nay đã đủ hiệu quả để chúng ta bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn này hay chưa, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Việt Hồng: Để tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước một cách toàn diện, lâu dài hướng tới sự phát triển KT-XH qua công tác này như: Quy định cụ thể các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất; quy định về chức năng nguồn nước để làm căn cứ xác định các giải pháp bảo vệ nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, đồng thời, quy định rõ các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước phải phù hợp với chức năng nguồn nước và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; quy định về phục hồi nguồn nước nhằm khôi phục chức năng nguồn nước và các giá trị sinh thái tự nhiên, giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền với nguồn nước; bổ sung quy định để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.