Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạng Sơn bảo vệ nguồn nước hướng tới phát triển bền vững

(TN&MT) - Lạng Sơn có hệ thống sông suối khá phong phú, là nguồn cung cấp nước mặt chính cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, những năm qua, Sở TN&MT đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

14.jpg

Ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn.

PV: Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trực:

Lạng Sơn là tỉnh có mạng lưới sông, suối khá phát triển, với mật độ dao động trung bình từ 0,6km/km2 - 1,2km/km2. Theo phương án khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước ngầm trên địa bàn tỉnh là trên 530.000m3/ngày; tài nguyên dự báo nước dưới đất hơn 1,7 triệu m3/ngày.

Nhằm bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Lạng Sơn đã phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh đến năm 2020, định hướng 2030; điều tra, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Ưu tiên bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại các đô thị, khu kinh tế cửa khẩu và các ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao; bảo đảm nước tưới hợp lý cho cây trồng; đầu tư nhiều hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các khu đô thị, khu đông dân cư tập trung nông thôn, vùng khó khăn khan hiếm nước.

Hàng năm, tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt văn bản mới lĩnh vực tài nguyên nước đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, xã; thường xuyên phát động phong trào tham gia bảo vệ tài nguyên nước ở các khu đô thị, khu đông dân cư tập trung. Thực hiện phân loại chất lượng nước mặt và xác định mục tiêu chất lượng nước trên các lưu vực sông; điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt; điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và điều tra chi tiết tài nguyên nước dưới đất tại thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Lãng.

Phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; danh mục hồ, ao không được san lấp, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh... Qua đó, góp phần quản lý, khai thác ngày càng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, phục vụ các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

14b.jpg

Lạng Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

PV: Là địa phương đang trên đà phát triển, theo ông, các hoạt động kinh tế - xã hội đã tạo nên những áp lực nào với nguồn nước?

Ông Nguyễn Hữu Trực:

Từ năm 2015 đến nay, nhu cầu khai thác, sử dụng nước mặt gia tăng, đặc biệt là việc xả nước thải từ các nguồn thải chưa được xử lý (nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, khu canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...) hoặc xử lý chưa triệt để (nước thải sản xuất từ một số nhà máy xí nghiệp riêng lẻ, khu công nghiệp, bệnh viện...) đã làm chất lượng nước tại các sông, hồ suy giảm.

Những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu cũng được coi là nguyên nhân làm suy giảm khả năng đáp ứng của nguồn nước, tăng nguy cơ thiếu hụt nước sạch cho các nhu cầu sản xuất và đời sống; thiếu nguồn nước để đảm bảo duy trì hệ sinh thái thủy sinh và bảo tồn đa dạng sinh học; ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và đe dọa sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận dân cư về tầm quan trọng của nguồn nước và công tác quản lý tài nguyên nước chưa cao; vẫn còn xảy ra vi phạm trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp đôi lúc còn thiếu đồng bộ và chặt chẽ.

PV: Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn nước, tỉnh Lạng Sơn đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm gì? Đặc biệt là các hoạt động để đưa Luật Tài nguyên nước 2023 vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Hữu Trực:

Để triển khai Luật Tài nguyên nước 2023, trên cơ sở Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, Lạng Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các dự án tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, gắn với cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai, bảo đảm tích hợp với hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Trung ương. Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc kết nối, truyền dữ liệu về hệ thống giám sát.

Công khai các thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm và các nguồn nước bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh cho nhân dân biết và phát huy sức mạnh cộng đồng trong theo dõi, giám sát các hoạt động bảo vệ nguồn nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước để nâng hiệu quả quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, hướng tới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 


Nguồn:Báo Tài nguyên và Môi trường Sao chép liên kết