Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Chiều 14/6, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công và Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn chủ trì hội thảo. Về dự hội thảo về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thứ trưởng Trần Quý Kiên, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam - các cơ quan được Bộ TN&MT giao xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Cùng dự còn có đại diện các Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia.
Sau hơn 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản 2010 đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất…
Mặt khác, hiện một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… Do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Việc xây dựng, ban hành Luật phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Lê Quang Huy phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng trong nền kinh tế trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắng nhìn vào sự thật là công nghiệp khai khoáng của chúng ta chưa phát triển hết tiềm năng. Chúng ta mới chỉ tập trung khai thác mà chưa có đủ công nghệ cũng như năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản kim loại. Một số loại khoáng sản mang tính chiến lược như đất hiếm vẫn chưa được khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, đối ngoại cho đất nước. Việc khai thác xuống sâu, khai thác ngầm nhiều loại khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn.
Luật Khoáng sản 2010 đã trải qua hơn 13 năm thi hành, mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung, trong đó có vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tài chính về khoáng sản và bảo đảm quyền tài sản đối với khai thác khoáng sản.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại hội thảo
“VCCI đã tham gia sâu cùng cơ quan soạn thảo trong quá trình soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần này. VCCI cảm ơn sự cầu thị, tinh thần đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam đã chỉ ra những điểm mới trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm khắc phục những những tồn tại, hạn chế, bất cập trên thực tế, đồng thời tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế.
Các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp cũng đã có những ý kiến góp ý nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quy định về quyền thăm dò bổ sung, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng như cần minh bạch trong chi phí bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Theo ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Văn phòng Luật sư AIC Lawyers & Consultants cho rằng các quy định của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản, hướng tới giải quyết hoàn toàn vấn nạn này trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Trên cơ sở đó, Luật sư Lê Thanh Sơn đề xuất tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại cuộc họp
Đề cập về quản lý công suất, ranh giới khai thác khoáng sản, bà Đặng Thị Ngọc Thuỷ, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Địa chất & Khoáng sản Việt Nam đề nghị tiếp cận hướng quản lý công suất theo quy luật của thị trường và ranh giới khai thác theo mục tiêu tận thu tối đa khoáng sản không tái tạo để điều tiết công suất khai thác của các dự án và ranh giới khai thác khoáng sản thay vì tiến hành xử lý vi phạm hành chính và hình sự hóa việc khai thác vượt công suất hoặc khai thác ngoài ranh giới (sát biên ranh giới cấp phép) như quy định hiện hành.
Bà cũng đề xuất cân nhắc cơ chế “Công suất khai thác linh hoạt” để phù hợp với việc tối ưu hóa kế hoạch sản xuất hàng năm của doanh nghiệp và chế độ báo cáo xin điều chỉnh ranh giới khai thác khi cần mở rộng để tận thu tối đa tài nguyên; quản lý siết chặt bằng các chế tài xử phạt khi các số liệu không được báo cáo, đóng thuế phí đầy đủ và sản lượng khai thác hàng năm cộng lại vượt quá trữ lượng được cho phép huy động vào khai thác trong thời hạn cấp phép.
Theo đó, doanh nghiệp được phép chủ động điều tiết và điều chỉnh công suất của các dự án khai thác khoáng sản dựa trên nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Vấn đề này giống mô hình điều tiết sản lượng khai thác dầu thô của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã phản hồi các ý kiến về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, công suất khai thác khoáng sản, đặc quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản khi thăm dò xong, phân công, phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản, quyền của doanh nghiệp về thế chấp khoáng sản hay không…
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Quang cảnh hội thảo
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội địa chất và khoáng sản. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào 5 nhóm chính sách, 16 vấn đề được đưa ra trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Những ý kiến đóng góp đều rất xác đáng, quan trọng để cơ quan soạn thảo dự án Luật, thẩm tra và những đơn vị hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình trong quá trình hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.