Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Nhiều quy định mới được bổ sung

TN&MTTheo dự kiến kế hoạch xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Theo tiến độ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung hoàn thiện Dự thảo theo ý kiến góp ý của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, nhà quản lý, nhà khoa học,… trong đó, dự thảo mới nhất có nhiều điểm bổ sung so với các dự thảo trước đây.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Nhiều quy định mới được bổ sung

Đề xuất Nhà nước đầu tư vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng

Đây là một trong những nội dung được Bộ TN&MT vừa xin ý kiến Chính phủ. Theo đó, Bộ đề xuất Nhà nước đầu tư vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đem lại hiệu quả cao nhất cho ngân sách Nhà nước quy định tại Điều 52 Dự thảo Luật. 

Theo khoản 5 Điều 3 Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định “Nhà nước đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ phát triển KT-XH, QP-AN”, tuy nhiên, trên thực tế, nội dung này chưa được quan tâm thực hiện. Trong khi đó, việc sử dụng vốn NSNN để thăm dò khoáng sản nhằm đánh giá đầy đủ quy mô, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò là vô cùng quan trọng trong việc quản trị, sử dụng nguồn lực tài nguyên với ý nghĩa là tài sản công, tài sản quốc gia.

Việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn NSNN sẽ được tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoàn trả tiền thăm dò “chi phí thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư” theo quy định hiện hành của Luật Khoáng sản cũng như quy định tại Dự thảo Luật “khoản 1 Điều 100”. Quy định như Dự thảo Luật nhằm bãi bỏ quy trình, thủ tục hành chính về cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, thay vào đó là việc Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn tổ chức thực hiện đề án thăm dò khoáng sản.

Ngoài đề xuất trên, dự thảo mới nhất có nhiều điểm bổ sung cho với các dự thảo trước. Đó là phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm và thực hiện cải cách hành chính; cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục hành chính. Đồng thời, phân công, phân cấp cho cấp tỉnh, cấp huyện, cụ thể, cấp tỉnh phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương; quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; cấp huyện cấp giấy xác nhận bản đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV với tổng khối lượng dưới 1 triệu m3 trên địa bàn hành chính của huyện.

Một số điểm mới của Dự thảo này là, cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).

Theo Dự thảo, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng. Bên cạnh đó, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác hàng năm; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ngoài ra, cấm kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; làm rõ quy định về chế biến khoáng sản từ hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

Quy định mới về nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ

Dự thảo sửa đổi Luật đã kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về khai thác khoáng sản; bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác. Những quy định mới và những quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết vướng mắc trong Luật Khoáng sản hiện hành liên quan đến quy định về nguyên tắc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo các chuyên gia, việc chia cắt mỏ có thể đầu tư quy mô lớn hiệu quả để cấp cho nhiều tổ chức cá nhân khai thác ở quy mô nhỏ là chưa hợp lý, bởi trên thực tế, không thể định lượng quy mô “lớn”, “nhỏ” đối với các loại khoáng sản để đối chiếu, thực hiện. Đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Luật Khoáng sản chưa làm rõ quy định về đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường được sử dụng với nhiều cách gọi khác nhau tại nhiều địa phương như “đất sét san lấp”, “đất đồi”, “đất san lấp” tránh tình trạng hiểu chưa thống nhất, hiểu theo nhiều nghĩa như thời gian qua. 

Đối với phê duyệt, nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, Luật Khoáng sản hiện nay chưa quy định về nội dung, thành phần, hình thức: Hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ khoáng sản; chưa quy định về nội dung thẩm định đề án thăm dò khoáng sản và trình tự thẩm định, thẩm quyền phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; chưa quy định cụ thể về quyền và các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, đặc biệt là nghĩa vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong thời gian thực hiện Đề án đóng cửa mỏ cho đến khi ban hành Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản. Luật Khoáng sản năm 2010 cũng chưa quy định các trường hợp đóng cửa mỏ khoáng sản khi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện đề án; chưa quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ; trình tự kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và ban hành quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

Để khắc phục những bất cập trên, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã quy định rõ hồ sơ đề nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản của tổ chức, cá nhân bao gồm: Văn bản đề nghị ban hành quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; báo cáo kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; bản đồ khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản; các văn bản chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Theo dự thảo, quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản được ban hành sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu.

Quy định mới trong quản lý khoáng sản và khu vực biển

Dự thảo Luật có một chương mới về quản lý cát, sỏi, lòng sông, lòng hồ và khu vực biển. Chương này quy định những nội dung gồm: Nguyên tắc hoạt động thăm dò, khai thác, thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở khu vực biển; nguyên tắc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển trong quá trình nạo vét.

Chương này quy định mới, Luật hóa quy định Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2023 của Chính phủ quy định về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; quy định mới về quản lý cát ở vùng biển. Theo đó, quy định nguyên tắc của: Hoạt động thăm dò, khai thác; hoạt động thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở khu vực biển; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi. Một trong những quy định mới là tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển trong quá trình nạo vét được thu hồi, sử dụng, tiêu thụ cát, sỏi thông qua hoạt động nạo vét, duy tu vùng nước cảng nội địa, vùng nước đường thủy nội địa, hồ chứa, khu vực cửa sông, cửa biển, khu vực tránh, trú bão, khu neo đậu tàu, thuyền theo dự án, kế hoạch phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.


Nguồn:Tạp chí Tài nguyên và Môi trường Sao chép liên kết