Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài nguyên và Môi trường

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Chiều 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp giữa 02 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Điều hành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp tục nội dung chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Tăng trách nhiệm của chủ dự án

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Liên quan đến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định việc tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ: Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải (khoản 1); có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật (khoản 5, 6); bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải (khoản 4).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đồng thời, khoản 5 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Nên xin được giữ như dự thảo Luật.

Đối với đề nghị nghiên cứu bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người nông dân, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cùng đại diện một số cơ quan hữu quan dự phiên họp.

Ngoài ra, việc triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo lộ trình và chỉ thu khi Nhà nước thu thủy lợi phí, được quy định tại khoản 3 Điều 86.

Theo báo cáo của Chính phủ, quá trình xây dựng Luật đã có đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của chính sách đối với việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại nội dung đánh giá chính sách về tài nguyên nước. Đồng thời, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 69. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Các ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được tiếp thu, giải trình đầy đủ

Gợi ý một số nội dung thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được tiếp thu, giải trình đầy đủ; các ý kiến đã phát biểu, góp ý đến 5 nhóm vấn đề chính, trong đó, nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước tại Chương 3, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng chống ô nhiễm nước biển, khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt, thu gom xử lý nước đã qua xử lý trong sản xuất công nghiệp, phòng chống xâm nhập mặn, phòng chống sụt lún đất, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi đối với sông hồ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được tiếp thu, giải trình đầy đủ

Nhóm vấn đề chính thứ hai về điều hòa phân phối tài nguyên nước được quy định tại mục 1 của Chương 4 của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định những nội dung: ưu tiên đầu tư, tìm kiếm thăm dò khai thác nguồn nước; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân, các vùng khan hiếm nước; khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước; phát triển hoạt động khoa học, công nghệ trong tích trữ nước; khuyến khích các tổ chức cá nhân nghiên cứu giải pháp thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Nhóm vấn đề thứ ba là khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại mục 2 Chương 4, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý để quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan; về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; quan trắc, giám sát tài nguyên nước; quy định về giao Chính phủ quy định chi tiết về quan trắc.

Nhóm vấn đề thứ tư là việc kê khai đăng ký cấp phép vượt tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai đăng ký cấp phép thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên nước; đồng thời quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình.

Nhóm vấn đề thứ 5 là các công cụ kinh tế chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước ở Chương 6, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự thảo luật đã được chỉnh lý, bổ sung về các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, tích trữ nước, và phục hồi nguồn nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc cho ý kiến, còn vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi; đề nghị cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, phục hồi các nguồn nước suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm; kịch bản nguồn nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước…

Liên quan đến Điều 69, Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người dân, nhất là nông dân. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thuế sử dụng đất nông nghiệp đã ban hành từ lâu và có các nghị quyết miễn tiền sử dụng thuế sử dụng đất nông nghiệp, nếu quy định trong luật có mâu thuẫn với các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với sản xuất nông nghiệp hay không? Đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ nghiên cứu thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, liên quan đến phục hồi các nguồn nước suy thoái cạn kiệt ô nhiễm, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đề nghị khắc phục hậu quả công trình trên lưu vực sông, vấn đề nguồn lực, xã hội hóa như thế nào để đảm bảo tính khả khi khi Luật được thông qua…

Ưu tiên bố trí nguồn lực để cải tạo các dòng sông “chết”

Giải trình làm rõ một số vấn đề của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp rất chặt chẽ. Qua các ý kiến, các nội dung giải trình đã được hai cơ quan tiếp thu vào trong dự thảo Luật này. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất các ý kiến như trong báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo tại Phiên họp

Về đề xuất của Chủ tịch Quốc hội kiến nghị bỏ thu tiền cấp nước khai thác tài nguyên đối với hoạt động khai thác nước mặt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc triển khai thực hiện thu thủy lợi phí này thì cần thực hiện theo lộ trình. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về quy mô. Vì trong tương lai có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng lúa, sử dụng nhiều hệ thống trữ nước, khai thác nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt, sử dụng nguồn nước này rất lớn... Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát lại, tránh sự hiểu nhầm là thu phí cả của người dân sản xuất nông nghiệp, không đúng với chính sách ưu đãi về phí, lệ phí, thuế…

Toàn cảnh phiên họp

Về xã hội hóa thu gom, xử lý nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc xử lý nước thải trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã yêu cầu quy định. Do đó, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để cải tạo các dòng sông “chết”...

Liên quan đến một số ý kiến góp ý về từ “moong” khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, trong Luật Khoáng sản, quy chuẩn, tiêu chuẩn khoáng sản có từ “moong”. Thực tế kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sử dụng lại các moong, mỏ than, mỏ đá… để giữ làm nguồn nước. Do đó, từ “moong” cũng rất phổ quát, quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn trong Luật Khoáng sản...

Liên quan đến ý kiến của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh về điều tra cơ bản nước và hệ thống cung cấp thông tin, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ xem xét nghị định, thông tư có hướng dẫn về việc đăng ký, hướng dẫn cung cấp thông tin. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh mong muốn có hệ thống quản lý thông tin, biết được đồng bộ và cập nhật điều phối lượng nước (nước ngầm, nước mặt…) và tổng hợp được lượng tiêu thụ nước trong quá trình chuyển đổi số để có thể điều phối chính xác nguồn nước.

Đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các ý kiến thảo luận và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đến nay các nội dung tiếp thu giải trình cơ bản đồng thuận, thống nhất cao. Dự thảo Luật đến nay có chất lượng tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với 5 nhóm đề tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời đề nghị tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để có nghiên cứu hoàn thiện thêm một số nội dung.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với quy định cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đề nghị 2 cơ quan trao đổi thêm để đảm bảo được tính công bằng, hợp lý, có thể linh hoạt hơn.

Đối với Điều 70 dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân khi xã hội hóa, bảo đảm các quyết định điều hòa, phân bổ nguồn nước, các quyết định chỉ đạo vận hành các hồ chứa liên hồ chứa theo thời gian thực để tối ưu hóa hiệu quả lợi ích sử dụng nước. Đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng, tài sản của Nhân dân các vùng hạ du.

Về Điều 34 quy định phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, Điều 72 và Điều 74, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ hơn, đảm bảo tính khoa học, khả thi, ưu tiên nguồn lực cho việc phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt.

Đề nghị làm rõ nội hàm hơn về vai trò, nội dung của kịch bản nguồn nước, bởi đây là xương sống cho điều hòa phân phối nước, để từ đó, các bộ ngành, địa phương có phương án cân đối, thực hiện chủ động sử dụng hiệu quả.

 

    Nguồn sưu tầm theo: baotainguyenmoitruong.vn