Lạng Sơn: Đẩy mạnh cấp sổ đỏ cho đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung đẩy mạnh cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, nhất là đồng bào tộc thiểu số (DTTS), giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao nhận thức cho người sử dụng đất
Thực hiện nhiệm vụ hoàn thành cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các tổ chức, hộ gia định cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở TN&MT Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch thực hiện cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giao nhiệm vụ cụ thể cho Văn phòng Đăng ký đất đai triển khai. Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong cấp GCNQSDĐ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Người dân Lạng Sơn thực hiện thủ tục đăng ký, kê khai cấp GCNQSDĐ.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Chu Văn Thạch, trước đây, việc thực hiện đăng ký kê khai, cấp GCNQSDĐ của người dân còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức rõ về trách nhiệm cũng như quyền lợi khi làm các thủ tục để được cấp GCN. Khắc phục tình trạng trên, Sở TN&MT đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, sử dụng đất.
Nhờ đó, người dân đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về nghĩa vụ sử dụng đất, chủ động làm các thủ tục đăng ký, kê khai cấp GCNQSDĐ với các thửa đất ở, đất sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ năm 2022 đến nay đã cấp 1.012 GCN cho các tổ chức với diện tích hơn 280ha; cấp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của Sở được gần 16.000 GCN với hơn 26.000 thửa đất, diện tích trên 4.500ha.
Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của cấp huyện thực hiện cấp GCN thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thành phố với 2.523 GCN, gồm cấp GCN lần đầu và cấp do chuyển mục đích sử dụng đất.
Đến bộ phận "một cửa" của UBND huyện Cao Lộc để nhận sổ đỏ với diện tích gần 1.000m2 đất nông nghiệp, ông Hoàng Văn Khoa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết, đây là diện tích đất nông nghiệp gia đình canh tác đã lâu, nhưng chưa có GCNQSDĐ. "Được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã nhận thức được sự cần thiết phải thực hiện đăng ký, kê khai để được cấp GCNQSDĐ theo quy định. Với GCN này, gia đình tôi dự định vay vốn ngân hàng để tiếp tục đầu tư trồng rừng, cải thiện đời sống", ông Khoa nói.